Ngày đăng: 03/04/2022
Ngã tư sân banh Gò Đậu (Bình Dương) đoạn qua địa bàn thành phố Thủ Dầu Một
Ngày 1/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội quý 1 và phương hướng, nhiệm vụ quý 2/2022.
Ba tháng đầu năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 trên các ngành, lĩnh vực, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, Bình Dương rất quan tâm và ưu tiên các dự án về giao thông, nhất là những dự án có tính liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Mỹ Phước-Tân Vạn, Mở rộng Quốc lộ 13 và các nút giao-hầm chui ngã 5 Phước Kiến.
Vừa qua Tỉnh ủy cũng đã thành lập 4 tổ công tác và phân công 4 cán bộ Thường vụ Tỉnh ủy để trực tiếp chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm này. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Minh cho biết tỉnh đang xác định phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đối ngoại để kết nối đồng bộ, thông suốt với vùng, khu vực là đòn bẩy thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, nên năm 2022 tỉnh Bình Dương ưu tiên mọi nguồn lực để đẩy mạnh triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Về tiến độ của các dự án, đối với dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 92km, hiện đã xây dựng xong đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 15,3km với quy mô 6 làn xe ôtô. Tổng mức đầu tư Tuyến Vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương dự kiến là 19.280 tỷ đồng đầu tư bằng vốn đầu tư công.
Đối với dự án xây dựng đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến 199km, tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư được khoảng 26,64km với quy mô từ 4 đến 10 làn xe, nhằm từng bước hoàn thành, tạo cung kết nối Đông-Tây của tỉnh, còn lại khoảng 21,66km chưa được đầu tư. Tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư phần đường còn lại bằng nguồn vốn hỗn hợp. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 24.697 tỷ đồng.
Đối với Dự án Quốc lộ 13, nền đường rộng 40,5m cho đoạn từ ranh giới Thành phố Hồ Chí Minh đến giáp thành phố Thủ Dầu Một dài 12,64km tiếp tục được thực hiện theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng. Trước mắt, tập trung thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý 1/2022 để khởi công đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong vào dịp lễ 30/4/2022.
[Vốn FDI đổ vào Bình Dương tăng gấp hơn 3 lần trong quý 1]
Hiện các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan đang khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như các chuẩn bị về mặt hồ sơ, pháp lý, thẩm định, phê duyệt và ký kết phụ lục hợp đồng để sớm triển khai dự án theo đúng quy định.
Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một (Bình Dương)-Chơn Thành (Bình Phước) có tổng mức đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 23.189 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 6.118 tỷ đồng, hình thức đầu tư theo phương thức PPP.
Tại cuộc họp ngày 19/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Giai đoạn tới, Bình Dương dự kiến sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án hầm chui, cầu vượt trên địa bàn nhằm tạo ra hệ thống giao thông hạ tầng đồng bộ, tạo cảnh quan đô thị thông thoáng và chống ùn tắc tại các điểm nóng.
Về tình hình kinh tế-xã hội quý 1/2022 của Bình Dương có chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Nổi bật trong phát triển kinh tế của tỉnh là thu hút đầu tư, xây dựng thành phố thông minh, các dự án giao thông quan trọng.
Tiêu biểu như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,6%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,8%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,1%, thu ngân sách ước đạt 28% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao…
Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả tốt. Cụ thể, đầu tư trong nước (tính đến 15/3) đã thu hút 15.800 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 55.267 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 546.000 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (tính đến 18/3) đã thu hút hơn 1,68 tỷ USD, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 4.050 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,4 tỷ USD.
Về tài nguyên và môi trường, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 9 huyện, thị xã, thành phố. Triển khai lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025, danh mục công trình thực hiện thu hồi đất và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện.
Tỉnh tiếp tục hoàn thiện phương án tạo nguồn thu từ quỹ đất. Kế hoạch trọng tâm trong năm 2022, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, chủ động tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh./.