Ngày đăng: 01/04/2022
Cụ thể, tổng nguồn cung căn hộ tại TP.HCM tính từ 2004 đến nay đạt 315.000 căn. Trong đó, riêng nguồn cung mới trong quý I/2022 đạt 2.500 căn, đến từ bốn dự án Vinhomes Grand Park (Beverly The Resort) - TP.Thủ Đức, Akari City Phase 2 - Quận Bình Tân, Masteri Centre Point - TP.Thủ Đức, Picity High Park - Quận 12. Các dự án mới đều thuộc phân khúc trung cấp và có mức giá bán trung bình 2.500 USD/m2 (tương đương 57,1 triệu đồng).
Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, mức giá bán trung bình toàn thị trường bao gồm tất cả các phân khúc đạt 3.300 USD/m2 (tương đương 75,4 triệu đồng), tăng 8% theo quý và tăng 27% theo năm.
Giá bán thị trường căn hộ không ngừng đạt đỉnh trong 10 năm qua, chủ yếu là do giá đất tăng trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, chi phí vật liệu xây dựng tăng và thị trường đón nhận nhiều sản phẩm thuộc phân khúc hạng sang và siêu sang thúc đẩy giá trung bình theo đó tăng lên.
Về giao dịch bất động sản, trong quý I/2022, 2.300 căn đã được tiêu thụ, giảm 20% theo quý và giảm 11% theo năm.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, dự báo đến cuối năm 2022, nguồn cung căn hộ sẽ đạt 10.000 căn với sự phổ biến của mô hình khu đô thị phức hợp quy mô lớn và các căn hộ siêu sang xuất hiện trên thị trường.
Đối với thị trường văn phòng TP.HCM, thị trường ghi nhận nguồn cung mới từ hai tòa nhà đi vào hoạt động trong quý I/2022, bao gồm CMC Creative - Quận 7 và Pearl 5 - Quận 3. Mức hấp thụ thuần trong quý đến chủ yếu là từ 2 tòa nhà trên và tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường đạt 90%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước với giá thuê ổn định ở mức 39,6 USD/m2/tháng (tương đương 905 ngàn đồng), tăng nhẹ so với quý trước.
Đến năm 2025, TP.HCM dự kiến sẽ có hơn 400.000 m2 sàn văn phòng được ra mắt, đến từ những dự án nổi bật như Cobi Towers I & II, Techcombank Tower, The Sun Tower, IFC One, Hallmark, The Nexus.
Trong hai năm đại dịch, khái niệm làm việc tại nhà đã trở nên quen thuộc, trở thành điều cần thiết và bắt buộc để doanh nghiệp có thể tiếp tục vận hành trong cao điểm dịch. Làn sóng làm việc tại nhà khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc diện tích thuê văn phòng trong dài hạn.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm đạt 91.000 lượt khách, tăng 89% so với năm trước. Theo đại diện Sở Du lịch TP.HCM, từ nay đến cuối năm 2022 sẽ có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế nếu tình hình khả quan.
TP.HCM nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các doanh nghiệp và được xem là trung tâm tài chính tại Việt Nam. Một loạt các thương hiệu khách sạn quốc tế và nội địa cao cấp, sang trọng đã có mặt tại TP.HCM, bao gồm IHG, Accor, Marriott, Hyatt, Reverie, Caravelle, khách sạn Majestic và khách sạn Rex.
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam, tính đến quý I/2022, tổng nguồn cung khách sạn 3 sao, 4 sao và 5 sao tại TP.HCM là 17.000 phòng. Công suất phòng khách sạn trong quý I khả quan trong bối cảnh đại dịch chưa kết thúc, đạt 35,6%, tăng lần lượt 1,6 và 2,1 điểm phần trăm theo quý và theo năm.
Giá thuê phòng trung bình đạt 73,6 USD/phòng/đêm (tương đương 1,68 triệu đồng), giảm 5,3% theo quý và giảm 4,2% theo năm. Trong ba năm tiếp theo, khoảng 3.800 phòng trên 18 khách sạn tư nhân sẽ được mở ra khắp thành phố.
Các sáng kiến du lịch trong thành phố cũng đang thúc đẩy nhu cầu du lịch ngắn và trung hạn. Một sáng kiến quan trọng là đề xuất cải tổ du lịch đường thủy của thành phố, nhằm tận dụng tiềm năng du lịch kênh rạch và sông ngòi rộng lớn của TP.HCM, bao gồm cả chợ nổi trên sông.
Chính quyền địa phương cũng đang mở rộng các loại hình mới như du lịch trang trại và thể thao. Điển hình là đề xuất hợp tác với các khu vực ngoại ô như huyện Cần Giờ và Hóc Môn để thúc đẩy các hoạt động vui chơi giải trí và ẩm thực.
Trong ba tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định cho thị trường bất động sản như Nghị định 02/2022, Nghị định 16/2022, đây là một bước để đơn giản hóa thủ tục kinh doanh bất động sản đồng thời gỡ vướng pháp lý cho các dự án.
“Với nền kinh tế đã trở lại đúng hướng, thị trường bất động sản cũng quy tụ các động lực phát triển trong 18 tháng tiếp theo. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tâm điểm đến Việt Nam với nhiều tập đoàn đang nỗ lực tìm hiểu thị trường và cố gắng để có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam”, bà Trang Bùi chia sẻ.